Điều kiện tự nhiên

25.10.2022 09:39220 đã xem

Tiên Hoàng là xã kinh tế mới được thành lập theo Quyết định số 67-QĐ/HĐBT ngày 06/6/1986 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và bộ máy chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1987. Tiên Hoàng là xã nông nghiệp, nằm ở phía Bắc huyện Cát Tiên có độ cao từ 300 – 400m so với mực nước biển. Phía Đông giáp huyện Đạ Tẻh; phía Tây giáp xã Phước Cát 2; phía Nam giáp xã Nam Ninh và Gia Viễn; phía Bắc giáp xã Đồng Nai Thượng.

Trung tâm xã cách trung tâm huyện Cát Tiên khoảng 12 km, có tọa độ địa lý từ 11° 38' 40" đến 11° 42' 57" vĩ độ Bắc và từ 107° 27' 41" kinh độ Đông. Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện nên còn hạn chế trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa với nhiều khu vực trong và ngoài huyện.

Địa hình xã Tiên Hoàng là một xã miền núi, nằm trong miền núi trung bình thấp phía cận Nam vùng Tây Nguyên. hình toàn xã nhìn chung có xu hướng nghiêng từ các phía: Bắc xuống Nam, Đông và Tây về trung tâm với những dãy đồi cao ở các hướng Bắc, Tây và Đông (>250m), đỉnh cao nhất là 631,9 m, nằm phía Đông Bắc (giáp Đồng Nai Thượng và Đạ Tẻh). Cao độ mặt đất phổ biến ở khu vực sản xuất và dân cư là 132 - 136m so với mực nước biển. Trong đó, khu vực thấp có trũng cao độ xuống đến 132-133m là khu vực cánh đồng thôn 6.

Địa hình đồi núi cũng tạo ra nhiều hồ, đập thủy lợi nên được con người cải tạo, lưu giữ khối lượng nước khá lớn đáp ứng nhu cầu trong đời sống và sản xuất. Đồng thời thiên nhiên, cũng tạo ra một số cảnh quan đẹp như Hồ chứa nước Đạ Sị, dòng sông Đạ Lây… có giá trị phục vụ du lịch sinh thái.

Về thổ nhưỡng: Đất đai trên địa bàn xã khá đa dạng và phong phú, phần lớn là đất đỏ vàng trên đá Bazan và đất đỏ vàng trên đá phiến, đất dốc tụ thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp và trồng rừng. Còn lại là đất phù sa thuận lợi cho canh tác lúa nước và các loại cây hoa màu ngắn ngày, nhưng số diện tích này chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 11% trên tổng diện tích đất canh tác.

Xã Tiên Hoàng cũng như các xã và thị trấn trong huyện Cát Tiên, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, vùng tiếp giáp giữa Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, chịu sự tác động giữa vùng sinh thái của miền Đông Nam Bộ và rừng núi Nam Tây Nguyên. Trong năm, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 85 - 90% tổng lượng mưa cả năm; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 10 - 15% tổng lượng mưa cả năm; tháng có lượng mưa ít nhất là tháng 2 và 3. Do đó, sự chênh lệch nhiệt độ trong năm khá cao: lúc cao nhất 35 - 370C, lúc thấp nhất là 17 - 180C. Toàn huyện nằm ở sườn đón gió Tây Nam nên có lượng mưa phong phú từ 2.800 mm – 3.000 mm/năm. Có những ngày lượng mưa trên 150 mm. Vì vậy, Hoàng cũng chịu không ít khó khăn do điều kiện thời tiết gây ra. Lượng mưa phân bố không đều, chủ yếu tập trung mùa mưa, cùng với địa hình, do đó thường xuyên bị lũ quét gây ngập úng trên diện rộng.

Xã Tiên Hoàng nằm trong vùng có lượng nắng khá dồi dào, tổng số giờ nắng trong năm của xã từ 2.400 - 2.500 giờ. Trong đó, số giờ nắng bình quân trong ngày từ 6,2 - 6,6 giờ, thời gian nắng nhiều nhất là tháng 1, 2, 3 và tháng 4, thời gian nắng ít nhất là tháng 7, 8 và 9. Nhiệt độ bình quân trong năm cao đều và ổn định khoảng 29oc. Nhìn chung sự thay đổi nhiệt độ qua các tháng không lớn, song chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm thì khá lớn, khoảng 7 đến 10oc nhất là vào các tháng mùa khô. Nhiệt độ cao nhất vào các tháng 3, 4, 5 (từ 37 - 38,2­­­­ oc) và thấp nhất vào tháng 12 khoảng 19 oc. Lượng bức xạ phong phú, nền nhiệt cao là điều kiện thuận lợi giúp cây trồng phát triển, cây ăn quả và cây lương thực ngắn ngày quay vòng nhanh, góp phần tạo nên tính đa dạng sinh học.

Xã Tiên Hoàng có suối Đạ Sị gồm 2 nhánh, một nhánh chảy từ Bắc xuống Nam nhánh chính chảy từ Đông sang Tây đến trung tâm xã theo hướng Nam qua xã Nam Ninh, với tổng diện tích lưu vực khoảng 35,1 km2; sông Đạ Lây chảy theo ranh giới xã với huyện Đạ Tẻh; suối Đạ Bo phần giáp với xã Phước Cát 2 chảy hướng Nam xuống xã Gia Viễn.

Xã Tiên Hoàng có tổng diện tích tự nhiên của xã là 5345,43 ha. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho các hộ dân quản lý là 5026,87 ha; trong đó, rừng đặc dụng là 977,1 ha và rừng sản xuất là 2.974,61 ha. Với vị trí địa lý thuận lợi, có điều kiện để phát triển kinh tế mang đặc thù của vùng miền núi, đồng thời cũng có khả năng khai thác phát triển du lịch sinh thái, phát triển kinh tế hàng hóa với thị trường mở rộng ra các khu đô thị lớn trong vùng. Hiện nay, việc trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ tài nguyên rừng kết hợp với phát triển kinh tế vườn đồi đang được triển khai đẩy mạnh.

Thực hiện Nghị quyết số 95-NQ/TW và Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (năm 1980) về “phân bố dân cư giữa các vùng trong cả nước”. Sau khi hoàn tất các thủ tục và chuẩn bị đầy đủ điều kiện, huyện Gia Viễn đã chính thức đưa dân vào xây dựng kinh tế mới tại vùng đất xã Tiên Hoàng ngày nay. Đến tháng 11 năm 1987, việc đưa dân đến vùng đất xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên ngày nay để xây dựng kinh tế mới cơ bản hoàn thành. Các hộ dân mới đến được bố trí ở hai bên đường (đường ĐH 91; ĐH 94 và đường đi Hồ chứa nước Đạ Sị hiện nay) mỗi hộ dân được chia một mảnh đất, có chiều rộng từ 36 – 42 m tính theo mặt đường, chiều sâu từ 50 – 200 m tùy theo từng vị trí; còn đất canh tác thì dân tự khai phá.

Giữa năm 1986, sau khi các điều kiện cần thiết để thành lập đơn vị hành chính cấp xã đã đủ, ngày 06/6/1986, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 67-QĐ/HĐBT tách và điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, thị trấn của huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Theo Quyết định này, xã Tiên Hoàng chính thức được thành lập và trở thành một trong những đơn vị hành chính đầu tiên của huyện Cát tiên.

Về kinh tế: Qua khảo sát thực tế cho thấy hoạt động kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Diện tích đất đồi núi được Nhân dân sử dụng trồng cây điều, cây ăn trái và cây lấy gỗ; phần diện tích bằng phẳng được Nhân dân sử dụng để trồng lúa nước; những diện tích ở ven chân đồi, ven suối thì trồng một số loại hoa màu và cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày như đậu, bắp, mía, dâu tằm… Ngoài ra, việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm được Nhân dân chú ý đã góp phần gia tăng thu nhập, ổn định đời sống của Nhân dân.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tiên Hoàng tích cực phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và cần cù trong lao động, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đại hội Đảng bộ xã lần thứ X (nhiệm kỳ 2020 - 2025), xác định rõ mục tiêu là tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Tiếp tục hoàn thiện và phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội; phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và các thành phần kinh tế để tạo ra bước đột phá phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Về dân số và thành phần dân tộc, Trước khi thành lập xã, nơi đây chủ yếu là nơi sinh sống của số ít người dân tộc Mạ. Nhưng từ khi thành lập xã cho đến nay thì dân số của toàn xã đã phát triển dần cả về số lượng và chất lượng. Tính đến 31/12/2021, dân số toàn xã là 775 hộ/ 3.171 khẩu (mật độ dân số 60 người/km2, trong đó có 09 dân tộc, 03 tôn giáo (Tin Lành, Công giáo và Phật giáo) cùng sinh sống, đông nhất là người Kinh: 714 hộ/2.959 khẩu, tiếp đến là người Mạ: 46 hộ/155 khẩu, người Dao: 08 hộ/19 khẩu, người Tày: 04 hộ/19 khẩu, người Mường: 03 hộ/12 khẩu, người Thái: 03 khẩu, người S’Tiêng: 02 khẩu, người Khmer: 01 khẩu, người Chăm: 01 khẩu.

Toàn xã có 05 thôn, từ thôn 2 đến thôn 6 (năm 2020 sát nhập thôn 1 vào thôn 2), trong đó thôn 6 là nơi chủ yếu người đồng bào dân tộc Mạ sinh sống.

Khi chưa thành lập xã, toàn bộ dân cư của huyện Gia Viễn, tỉnh Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Ninh Bình) đi kinh tế mới tại xã Tiên Hoàng ngày nay đều thuộc xã Đồng Nai của huyện Đạ Huoai trước đây. Nhưng sau khi huyện Cát Tiên được thành lập thì xã Tiên Hoàng cũng được thành lập và tách về trực thuộc huyện Cát Tiên. Lúc đầu chỉ có các hộ dân của huyện Gia Viễn, tỉnh Hà Nam Ninh, đến năm 1987, xã tiếp nhận thêm một bộ phận dân cư của huyện Hoàng Long (nay là huyện Nho Quan), tỉnh Hà Nam Ninh đi kinh tế mới và một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc di cư tự do đến đây lập nghiệp.

Người Tiên Hoàng có ý thức lao động cần cù, tính chịu thương chịu khó, luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, hiếu học, sáng tạo và bước đầu đã hình thành truyền thống hiếu học của nhân dân trong xã.

Tin tức khác