Cát Tiên ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

01.12.2021 10:25117 đã xem

Là huyện thuần nông, cơ sở hạ tầng thấp kém, kinh tế - xã hội vẫn nhiều khó khăn, Cát Tiên xác định sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) tạo bước đột phá, tạo tiền đề góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, cuối năm 2012, Cát Tiên cơ bản thoát khỏi tình trạng kém phát triển. 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 17,19%; bình quân thu nhập đầu người 37,6 triệu đồng (tăng 2,8 lần so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,78% (giảm 1,61%), trong đó, hộ nghèo vùng đồng bào DTTS 6,18% (giảm 3,56%). 

 

Những bước đột phá 

 

Nhiệm kỳ V (2010-2015), Đảng bộ huyện Cát Tiên chỉ đạo các ngành chuyên môn vận động nhân dân cải tạo đồng ruộng, thực hiện tốt công tác quy hoạch các vùng sản xuất tập trung và ứng dụng CNC. Tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động; nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền những thành tựu nghiên cứu, ứng dụng các mô hình và các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC có hiệu quả phù hợp với sự phát triển của địa phương để người dân tham khảo học tập, vận dụng nhân rộng lấy mô hình nông dân hướng dẫn nông dân. Xây dựng các mô hình sản xuất lúa VietGAP, sản xuất lúa giống nhãn hiệu “Lúa - gạo Cát Tiên”, dược liệu Diệp Hạ Châu… Huyện liên kết, hợp tác với các trung tâm, Viện nghiên cứu và các trường đại học để nghiên cứu, chuyển giao KHKT-CN, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, công nghệ sạch, an toàn. Thời gian qua, Cát Tiên xây dựng 11 mô hình: sản xuất lúa sạch VietGAP, sản xuất nấm xanh, rau an toàn, khảo nghiệm lúa giống mới, trồng chè dưới tán điều, trồng trình diễn lúa Baxe, ứng dụng nhân rộng sản xuất Diệp Hạ Châu… Xây dựng 14 đề tài nghiên cứu khoa học, tập huấn chuyển giao kỹ thuật 65 lớp với 2.298 người tham gia tìm hiểu về chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt; tổ chức 19 hội thảo cho 1.116 người tham gia nội dung về các mô hình sản xuất, trình diễn, bảo vệ thực vật. Huyện đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá sản phẩm. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ phù hợp với định hướng, quy hoạch và điều kiện sản xuất nông nghiệp như chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, diện tích điều kém hiệu quả sang trồng rừng nguyên liệu, cây cao su… Phát triển ứng dụng cơ giới hóa các khâu chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp: làm đất đạt 99%, thu hoạch trên 90%, các khâu khác từ 65 - 80%... Năm 2015, Cát Tiên thực hiện tổng diện tích gieo trồng 18.565ha, đạt 101,8% KH; tổng sản lượng lương thực 60.732 tấn, đạt 101,6% so KH (sản lượng lúa 53.164 tấn, trong đó, lúa chất lượng cao 41.898 tấn, chiếm 79%). Diện tích lúa ứng dụng CNC 2.031ha (diện tích sản xuất lúa giống 451/400ha, tăng 34,6% so với cùng kỳ, năng suất 66,9 tạ/ha, sản lượng 3.018 tấn), rau chuyên canh ứng dụng CNC 166ha.

 

Sản xuất nông nghiệp Cát Tiên đã chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng CNC. Thu nhập trên đơn vị diện tích năm 2015 ước 62 triệu đồng/ha (năm 2011 trên 40,1 triệu đồng). Diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 1.700ha, diện tích ứng dụng NNCNC trên 12% tổng diện tích. Mô hình sản xuất lúa giống được nhân dân hưởng ứng và mở rộng từ 195ha  lên 451ha, diện tích lúa chất lượng cao duy trì từ 2.500ha - 2.700ha (đạt 80 - 82% diện tích trồng lúa). Xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo quy trình VietGAP 500ha năm 2013 và 660ha năm 2015. Huyện tiếp tục khuyến cáo chuyển đổi phát triển cây bắp trên chân ruộng lúa nước bấp bênh vụ Đông xuân, Hè thu nhằm hạn chế áp lực về nước, thiệt hại do hạn, tăng sản lượng lương thực và giá trị xuất khẩu. Lồng ghép các giải pháp khuyến khích phát triển rau chuyên canh theo hướng an toàn, gắn tìm thị trường tiêu thụ. Đến nay, rau sản xuất chuyên canh có giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích khoảng 80 triệu đồng/ha. 

 

Hạn chế và định hướng 

 

Chương trình sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC của huyện Cát Tiên thời gian qua tuy có sự tập trung triển khai các giải pháp nhưng nhìn chung vẫn thiếu toàn diện, lúng túng trong khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Năng suất còn thấp và chất lượng sản phẩm chưa đủ cạnh tranh để tạo lợi nhuận cao, chưa khai thác hiệu quả giá trị thương mại nhãn hiệu “Lúa - gạo Cát Tiên”. Triển khai xây dựng nhãn hiệu “Cá Lăng Cát Tiên”, “Diệp Hạ Châu Cát Tiên” chậm, thiếu tập trung. Triển khai trồng cây cao su đại điền vẫn lúng túng, thiếu khả thi. Việc ứng dụng CNC vào sản xuất kết quả thấp, chưa chú ý công nghệ sau thu hoạch; chưa thực sự năng động tìm kiếm xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Chưa chú trọng tổng kết đánh giá, nhân rộng các mô hình sản xuất, nhất là trong vùng đồng bào DTTS…

 

Khắc phục tình trạng trên và để nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ cao, 5 năm tới, Cát Tiên tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp vào trong định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp với mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa ứng dụng CNC, phấn đấu đến năm 2020 có trên 35% diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng CNC (sản xuất lúa theo quy trình VietGap 1.500 ha, cây Diệp Hạ Châu 150ha). Giá trị sản xuất ứng dụng CNC chiếm 30% giá trị sản xuất khu vực 1. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nhất là cây lúa. Điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng lúa chất lượng cao, lúa giống (duy trì diện tích lúa giống từ 500 - 700ha, lúa chất lượng cao 6.800 - 7.000ha). Thực hiện đồng bộ các khâu; cải tạo đồng ruộng, chuyển đổi giống, đầu tư thâm canh, cơ cấu mùa vụ hợp lý… để tăng năng suất lúa lên 60 tạ/ha/vụ. Phát triển nhãn hiệu “Lúa - gạo Cát Tiên” thành thương hiệu “Lúa - gạo Cát Tiên”. Tập trung sản xuất cây dược liệu; khuyến khích mở rộng diện tích cây dâu gắn với phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm; phát triển vùng rau chuyên canh tại các xã ven sông Đồng Nai. Cải tạo vườn hộ; thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển bền vững cây điều và hoàn thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, được chứng nhận VietGAP, nâng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đến năm 2020 đạt 70-80 triệu đồng ha/năm. Huyện cũng đang khuyến khích hình thành và hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX, tổ hợp tác. Cát Tiên phấn đấu cuối năm 2019, sẽ trở thành huyện nông thôn mới.

Tin tức khác